Chiến lược giúp thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng vào mùa mua sắm cuối năm

Share:
Chiến lược giúp thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng vào mùa mua sắm cuối năm

Nội dung

Mùa mua sắm cuối năm đã đến gần, mang theo hàng loạt sự kiện lớn như Black Friday, Cyber Monday, 11/11, 12/12 và Giáng Sinh. Tại Việt Nam, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu vượt bậc, đạt 53.4% so với năm 2022, đặc biệt tăng mạnh trong 2 quý cuối năm. Theo báo cáo của Metric, tháng 9/2023 đạt doanh thu cao nhất trong năm với mức tăng trưởng 89.9%, đạt 21.1 nghìn tỷ đồng trên cả 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo. Điều này cho thấy người tiêu dùng không còn đợi đến cuối năm mới mua sắm mà đã bắt đầu chi tiêu mạnh mẽ từ tháng 8 trở đi. Đây là thời điểm mà người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để mua sắm cho cá nhân, gia đình và người thân quen, tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Bài viết sau đây sẽ phân tích chi tiết các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, những xu hướng tiêu dùng nổi bật, và đưa ra các gợi ý mà thương hiệu cần chuẩn bị để tận dụng cơ hội từ mùa mua sắm cuối năm 2024.

Bối cảnh kinh tế và xu hướng tiêu dùng

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, lạm phát vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng có xu hướng trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Họ sẽ ưu tiên mua các sản phẩm thiết yếu và giảm bớt những chi tiêu không cần thiết. Theo báo cáo của Deloitte về tác động của lạm phát đến hành vi tiêu dùng, hơn 60% người tiêu dùng toàn cầu đã điều chỉnh hành vi mua sắm của mình trong các giai đoạn lạm phát cao, tập trung vào việc mua sắm các sản phẩm thiết yếu và tiết kiệm chi phí.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 – nguồn: Trading Economics

Theo báo cáo của EBI 2024, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Dự báo cho thấy TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 25% mỗi năm cho đến năm 2025. Theo số liệu từ YouNet ECI, sự thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là sự gia tăng của các hoạt động shoppertainment, dự kiến sẽ chiếm gần 50% thị trường TMĐT Việt Nam vào năm 2025.

Dự đoán tăng trưởng TMĐT 2023 – 2025 – nguồn: YouNet ECI

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang chứng tỏ là một thị trường TMĐT đầy tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh. Dự báo, với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật số, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hỗ trợ của các chính sách, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Trong năm 2024 sự tăng trưởng trở nên ổn địnhbền vững hơn, với mức tăng trung bình hàng tháng đạt 49,33%. Đặc biệt, các sự kiện khuyến mãi lớn như Siêu Sale 6/6 và sinh nhật các sàn TMĐT đã góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng, với tháng 6/2024 đạt mức GMV cao nhất từ đầu năm, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo doanh thu thị trường TMĐT 6 tháng đầu năm 2024 – nguồn: YouNet ECI

Các sự kiện Double Day như 5/5, 6/6, cùng với các chương trình sinh nhật của các sàn TMĐT lớn như Lazada và TikTok, đã chứng tỏ là những cú hích mạnh mẽ cho thị trường. 

Với nền kinh tế ổn định, niềm tin tiêu dùng cao và sự phát triển của thương mại điện tử, mùa mua sắm “Mega Sales” cuối năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ lớn hơn nữa. Đây là thời điểm mà các sàn TMĐT cũng như các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt: từ kho bãi, logistics, đến chiến lược marketing.

Để chuẩn bị các chiến lược tiếp cận cho mùa Mega Sales 2024, chúng ta cần có cái nhìn rõ hơn về thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Bằng cách phân tích kỹ càng cách người tiêu dùng sử dụng các nền tảng để tìm kiếm sản phẩm, chúng ta có thể đưa ra những chiến lược hiệu quả nhất, đáp ứng đúng nhu cầu và hành vi của khách hàng trong thời kỳ cao điểm mua sắm này.

Shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí

Shoppertainment, đặc biệt là livestream, đang làm thay đổi cách chúng ta mua sắm. Tương tác trực tiếp với người bán, đặt câu hỏi và nhận phản hồi tức thì đã tạo nên một trải nghiệm mua sắm sống động và đáng tin cậy hơn. Theo eMarketer, livestream shopping dự kiến đạt doanh thu gần 35 tỷ USD vào cuối năm 2024. Không chỉ là một kênh bán hàng, livestream còn là một nền tảng giải trí, nơi người tiêu dùng dành trung bình 15-30 phút để khám phá sản phẩm (MMA Global). Sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí này đã tạo ra một vòng lặp hấp dẫn: người xem bị cuốn hút bởi nội dung livestream, từ đó dẫn đến quyết định mua hàng.

Thống kê thời gian trung bình xem livestream – nguồn: MMA Global

Xu hướng này càng được củng cố bởi việc người tiêu dùng ngày càng tích cực tìm kiếm trải nghiệm mua sắm mới. Họ không chỉ đơn thuần mua sản phẩm mà còn muốn khám phá và trải nghiệm. Việc kết hợp sản phẩm vào các nội dung giải trí một cách tự nhiên đã trở thành một chiến lược hiệu quả. Theo GlobalWebIndex, 72% người tiêu dùng đã mua hàng sau khi nhìn thấy sản phẩm trong các nội dung giải trí. Điều này cho thấy, shoppertainment không chỉ là một xu hướng mà còn là tương lai của mua sắm, nơi trải nghiệm người dùng được đặt lên hàng đầu.

Trải nghiệm mua hàng liền mạch

Người tiêu dùng ngày nay ưu tiên trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Việc tìm kiếm và mua hàng trên cùng một nền tảng đang trở thành tiêu chuẩn mới. Các nền tảng như TikTok Shop đã tận dụng xu hướng này một cách hiệu quả, cho phép người dùng vừa khám phá các sản phẩm thú vị thông qua video ngắn, vừa có thể mua hàng ngay lập tức mà không cần rời khỏi ứng dụng. Báo cáo mới đây của TikTok cho thấy số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm – giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm. Các thuật toán thông minh giúp phân tích hành vi của người dùng để đưa ra những gợi ý sản phẩm phù hợp, cá nhân hóa. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng mà còn tăng khả năng chuyển đổi. 

Các ông lớn thương mại điện tử như Amazon và Alibaba đã chứng minh được hiệu quả của AI khi doanh thu tăng lên đến 30% nhờ các đề xuất sản phẩm cá nhân hóa (McKinsey, 2024). Rõ ràng, việc kết hợp giữa trải nghiệm người dùng liền mạch và công nghệ AI tiên tiến đang định hình lại tương lai của ngành thương mại điện tử.

Quyết định mua hàng dựa trên đánh giá của cộng đồng

Người tiêu dùng hiện nay rất coi trọng các đánh giá và bình luận từ người dùng khác trên các nền tảng TMĐT. Theo PowerReviews, 97% người tiêu dùng cho biết các đánh giá của người dùng khác là yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm của họ. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của cộng đồng đối với nhận thức và quyết định mua hàng.

Các nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt là các influencer, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Theo khảo sát của  TikTok, 48% người tiêu dùng tin tưởng các khuyến nghị từ những người sáng tạo nội dung hơn so với các quảng cáo truyền thống. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các influencer trong chiến lược marketing để tạo ra sự tin tưởng và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, lạm phát vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng trở nên thận trọng hơn, ưu tiên mua các sản phẩm thiết yếu và tìm cách tiết kiệm chi phí. 

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam, cùng với sự bùng nổ của các hình thức shoppertainment, đã định hình lại cách người tiêu dùng tiếp cận mua sắm. Với nền tảng này, các thương hiệu cần nhận thức rõ ràng về các xu hướng và hành vi tiêu dùng để có thể đưa ra các chiến lược phù hợp trong mùa mua sắm cuối năm 2024.

Các thương hiệu cần làm gì để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm 2024?

Mùa mua sắm cuối năm là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tăng trưởng doanh số, nhưng làm thế nào để nổi bật giữa hàng ngàn thương hiệu khác? Câu trả lời nằm ở một chiến lược toàn diện và hiệu quả.

Để chuẩn bị tốt cho mùa mua sắm cuối năm 2024, các thương hiệu cần một “chiến lược đúng” với ba yếu tố cốt lõi: xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, xây dựng chiến lược thương hiệu và marketing mạnh mẽ, và thực thi chiến lược truyền thông toàn diện.

1. Xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng

  • Đặt kỳ vọng cụ thể: Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, các doanh nghiệp cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, có liên quan và giới hạn thời gian (SMART). Ví dụ: “Tăng doanh thu sản phẩm A 20% so với cùng kỳ năm ngoái” là một mục tiêu khả thi trong việc khai thác tối đa những ngày hội mua sắm cuối năm.
  • Tìm kiếm nguồn tăng trưởng: Thương hiệu nên khám phá các phân khúc khách hàng mới hoặc mở rộng sang các thị trường chưa khai thác, đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm hoặc dịch vụ đang có tiềm năng tăng trưởng.

 

2. Xây dựng chiến lược thương hiệu và marketing

  • Định vị thương hiệu rõ ràng: Xác định vị trí của thương hiệu trên thị trường để xây dựng các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi phù hợp. 
  • Tối ưu hóa 4Ps: Với sự phát triển của thương mại điện tử và hành vi mua sắm trực tuyến, việc tối ưu hóa sản phẩm, giá, phân phối và khuyến mãi (4Ps) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 
  • Phát triển ý tưởng thương hiệu: Tạo dựng các chiến dịch thương hiệu có tính sáng tạo và liên kết mạnh mẽ với khách hàng, giúp thương hiệu nổi bật trong mùa mua sắm cạnh tranh.

 

3. Thực thi chiến lược truyền thông toàn diện

  • Phát triển chiến dịch truyền thông toàn phễu: Tận dụng các kênh truyền thông đa dạng để tiếp cận khách hàng từ giai đoạn nhận thức đến giai đoạn mua hàng.
  • Theo dõi và điều chỉnh liên tục: Trong quá trình triển khai chiến dịch, cần thường xuyên theo dõi hiệu quả và điều chỉnh kịp thời để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Mỗi yếu tố này không chỉ giúp thương hiệu thu hút khách hàng mục tiêu mà còn tạo ra sự khác biệt trên thị trườnG.. Việc đặt ra các kỳ vọng kinh doanh cụ thể, tối ưu hóa 4Ps, và phát triển các chiến dịch thương hiệu sáng tạo sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được mục tiêu kinh doanh trong mùa mua sắm này.

3 giai đoạn xây dựng một chiến lược toàn diện

Sau khi đã xác định rõ chiến lược kinh doanh, các thương hiệu cần triển khai một kế hoạch thực thi hiệu quả để đảm bảo việc định vị thương hiệu diễn ra tối ưu. 

Việc định vị đúng đắn không chỉ giúp doanh nghiệp nổi bật và thu hút khách hàng mục tiêu, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm. Ví dụ, Apple không chỉ có chiến lược kinh doanh rõ ràng mà còn triển khai thực thi một cách nhất quán thông qua thiết kế sản phẩm, trải nghiệm khách hàng và truyền thông, giúp định vị mình là thương hiệu dẫn đầu về sự sáng tạo và chất lượng cao.

Dưới đây là ba giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện, được liên kết chặt chẽ với các xu hướng tiêu dùng hiện đại.

 

Chiến lược thực hiện theo từng giai đoạn của chiến dịch – nguồn: PMAX

Giai Đoạn 1: Trước chiến dịch (Pre-campaign)

  • Xây dựng chiến lược: Bước đầu tiên trong quá trình này là xác định chiến lược phù hợp, cân bằng giữa xây dựng niềm tin thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng. Chiến lược phải dựa trên các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường và tránh tập trung quá mức vào các chỉ số không mang lại hiệu quả cao. Việc cân nhắc yếu tố sáng tạo, các chương trình khuyến mãi và lời kêu gọi hành động (CTA) là cần thiết để thu hút khách hàng từ đầu.
  • Kế hoạch thực hiện: Sau khi xây dựng chiến lược, cần lập kế hoạch thực hiện chi tiết, với trọng tâm vào trải nghiệm người dùng. Sự thành công của chiến dịch phụ thuộc vào việc xác định đúng các yếu tố trọng tâm như sản phẩm, giá, địa điểm phân phối và khuyến mãi (4Ps). Điều này bao gồm cả việc chuẩn bị công cụ bán hàng và các ứng dụng hỗ trợ cần thiết để đảm bảo rằng khách hàng sẽ có trải nghiệm liền mạch khi tham gia mua sắm.
  • Chiến lược nội dung: Tạo dựng nội dung thu hút và mạnh mẽ là yếu tố quan trọng để chuẩn bị trước chiến dịch. Nội dung cần được truyền tải trên nhiều kênh khác nhau, từ mạng xã hội đến các nền tảng thương mại điện tử, giúp thương hiệu tiếp cận và gắn kết với khách hàng mục tiêu ngay từ giai đoạn đầu.

 

Chiến lược nội dung trước chiến dịch (Pre-campaign)

Chiến lược nội dung trước chiến dịch (Pre-campaign) – nguồn: PMAX

  • Chương trình ưu đãi/khuyến mãi: Các chương trình khuyến mãi hấp dẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ là công cụ kích thích mua sắm, mà còn là cách để thương hiệu thu hút người tiêu dùng trước khi chiến dịch chính thức bắt đầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong các dịp mua sắm lớn như Double Day (11/11, 12/12).

 

Giai Đoạn 2: Trong chiến dịch (During campaign)

  • Chiến dịch có giới gạn thời gian: Trong giai đoạn này, việc tối ưu hóa thực thi theo thời gian thực là cần thiết. Các chương trình khuyến mãi với thời hạn ngắn không chỉ tạo cảm giác cấp bách mà còn thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các ưu đãi đặc biệt từ nền tảng, thương hiệu và các đối tác vận chuyển sẽ là chìa khóa thành công.

 

Giải pháp khuyến mãi trong chiến dịch (during campaign)

Giải pháp khuyến mãi trong chiến dịch (during campaign) – nguồn: PMAX

  • Truyền thông cập nhật liên tục: Để duy trì bầu không khí tích cực và tạo sự chú ý liên tục, việc cập nhật thông tin và truyền thông trong suốt chiến dịch là rất quan trọng. Sự tương tác liên tục với khách hàng qua các kênh trực tuyến sẽ giúp thương hiệu duy trì sự quan tâm và thúc đẩy họ hành động ngay lập tức.
  • CTA trên đa kênh: Tích hợp lời kêu gọi hành động trên nhiều kênh khác nhau để tối đa hóa hiệu quả tiếp cận. Việc sử dụng đa kênh như quảng cáo trực tuyến, email marketing và tương tác qua nền tảng mua sắm sẽ giúp thương hiệu tiếp cận được tối đa lượng khách hàng tiềm năng, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Đo lường dữ liệu và tinh chỉnh: Sử dụng dữ liệu thu thập được trong quá trình triển khai chiến dịch để tinh chỉnh chiến lược kịp thời. Việc phân tích dữ liệu theo thời gian thực sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh các yếu tố không hiệu quả, từ đó tối ưu hóa kết quả chiến dịch. Marketing Mix Modeling là một phương pháp đo lường hiệu quả Marketing dựa trên việc sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, đặc biệt là phân tích hồi quy (regression analysis). Cơ chế hoạt động của MMM là thu thập và phân tích dữ liệu về các biến số Marketing (như quảng cáo, giá cả, hoạt động bán hàng…) cùng với dữ liệu về doanh số bán hàng và lợi nhuận để xây dựng các mô hình thống kê.

 

Mô hình phân tích data Marketing Mix Modeling

Mô hình phân tích data Marketing Mix Modeling – nguồn: PMAX

Giai Đoạn 3: Sau Chiến Dịch (Post-campaign)

  • Truyền thông sau chiến dịch: Sau khi chiến dịch kết thúc, tiếp tục duy trì liên lạc với khách hàng thông qua truyền thông hậu chiến dịch là điều cần thiết. Việc chia sẻ thành công của chiến dịch, cùng với lời cảm ơn và các ưu đãi tiếp theo, sẽ giúp củng cố lòng trung thành của khách hàng.
  • Kéo dài chương trình khuyến mãi: Để thu hút những khách hàng chưa kịp tham gia trong thời gian chính chiến dịch, việc kéo dài các chương trình khuyến mãi sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng doanh thu và giữ được sự quan tâm từ phía khách hàng.
  • Tiếp tục thúc đẩy doanh số: Sau chiến dịch, các hoạt động bán hàng cần được duy trì để tận dụng đà tăng trưởng. Sử dụng dữ liệu thu thập được từ chiến dịch để phân tích, dự đoán nhu cầu và điều chỉnh chiến lược bán hàng cho các giai đoạn tiếp theo sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Ví dụ về kết quả 1 chiến dịch

Ví dụ về kết quả 1 chiến dịch – nguồn: PMAX

Mỗi giai đoạn trong chiến dịch marketing đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chiến dịch diễn ra suôn sẻ và đạt được các mục tiêu đề ra. Từ giai đoạn trước chiến dịch, trong đó chiến lược và kế hoạch được phát triển kỹ lưỡng, đến giai đoạn triển khai chiến dịch với các chương trình khuyến mãi có giới hạn thời gian và truyền thông liên tục, cho đến giai đoạn sau chiến dịch với việc duy trì liên lạc và thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng. 

Quan trọng hơn, việc thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định chính xác, điều chỉnh chiến lược kịp thời và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.

Tổng kết

Từ nắm bắt các yếu tố kinh tế, thấu hiểu khách hàng, xác định mục tiêu đến việc tối ưu hóa trải nghiệm và đo lường hiệu quả, mỗi bước đi đều cần được tính toán một cách tỉ mỉ. Kết quả cuối cùng không chỉ đơn thuần là tăng doanh số, mà còn là việc tạo ra một dấu ấn khó quên trong lòng khách hàng, xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành và khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường.

Với một chiến lược toàn diện và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các thương hiệu không chỉ tận dụng tối đa cơ hội tăng trưởng trong mùa mua sắm cuối năm mà còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển. PMAX tin rằng với những kiến thức và gợi ý trong bài viết này, bạn sẽ tự tin chinh phục mùa mua sắm cuối năm và đạt được những thành công như mong đợi.

Nội dung bài viết được trích từ “Báo cáo Marketing – Mega Sales 2024″. Đăng ký nhận báo cáo tại đây

Tìm hiểu thêm