Câu chuyện về Marketing toàn phễu vốn đã được nhắc đến từ những thời điểm sơ khai nhất của lĩnh vực Marketing. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại về cách vận hành Marketing funnel cũng như công nghệ cần thiết để thực thi.
Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh thị trường đang bão hoà với chi phí quảng cáo chuyển đổi ngày càng đắt đỏ kết hợp với sự thay đổi mạnh mẽ về hành vi mua hàng cũng như cách đánh giá thương hiệu của khách hàng sau Covid-19, các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn cho cách triển khai Marketing này để có cách đầu tư ngân sách hiệu quả cũng như nuôi dưỡng tập khách hàng doanh nghiệp.
Trở lại với chuỗi các bài viết Performance Marketing với những đúc kết và tổng hợp từ hơn 10 năm làm việc và hợp tác với nhiều dự án thành công, PMAX sẽ tiếp tục với một chủ đề vô cùng quen thuộc nhưng thực thi lại vô cùng khó khăn, đó là “Full funnel marketing” – Marketing toàn phễu khách hàng.
Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, PMAX sẽ đi qua các định nghĩa, lý do tại sao cần làm “Full funnel marketing”, các yếu tố cần thiết và quan trọng hơn hết là cách làm đúng đắn khi triển khai các chiến dịch Marketing theo phễu khách hàng.
Marketing funnel là gì? Định nghĩa của Marketing funnel được thay đổi qua thời gian như thế nào?
Định nghĩa một cách đơn giản nhất, phễu khách hàng được mô tả như một hành trình từ khi họ bắt đầu biết đến một thương hiệu cho đến khi trở thành khách hàng đầu tiên và dần trở thành khách hàng thân thiết.
Nói cách khác, phễu còn được hiểu là tập hợp các điểm chạm dọc của người mua hàng từ giai đoạn chỉ mới nhận biết cho đến khi chuyển đổi hoàn toàn. Bản chất phễu tuỳ thuộc khá nhiều theo từng doanh nghiệp cũng như đặc thù ngành, một loại phễu khá phổ biến đó là AIDA với từng bước tương ứng:
- Attention: Giai đoạn khách hàng dần có nhu cầu và đã được nghe về thương hiệu từ một đến hai lần ở qua các kênh quảng cáo hoặc qua truyền miệng;
- Interest: Giai đoạn khách hàng bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của một nhãn hàng nhất định;
- Desire: Giai đoạn nhu cầu trở nên cao nhất, họ bắt đầu tìm kiếm về giá, nơi mua và chương trình khuyến mãi;
- Action: Giai đoạn xảy ra chuyển đổi.
Hay một mô hình Marketing funnel khác cũng khá phổ biến như hình bên dưới:
Nhận biết, làm quen, cân nhắc, chuyển đổi mua hàng và trở thành khách hàng thân thiết của doanh nghiệp/ nhãn hàng.
- Định nghĩa về phễu (marketing funnel) trong chiến lược Marketing.
Định nghĩa về phễu (Marketing funnel) vốn đã được định hình khá chắc chắn và hiện diện gần như trong mọi chiến lược Marketing từ trước đến nay. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các kênh kỹ thuật số cũng như sự cạnh tranh gia tăng của các sản phẩm, dịch vụ trong những năm gần đây đã làm cho các điểm chạm cũng như quyết định mua hàng trở nên đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Từ đó, dẫn đến những mô hình phễu thông thường đã không còn đạt được sự chính xác.
Theo một nghiên cứu mới nhất từ Mckinsey, phễu khách hàng không chỉ còn xoay quanh các điểm chạm mà đã hoàn toàn xoay quanh hành trình ra quyết định của khách hàng.
- Phễu khách hàng không chỉ xoay quanh các điểm chạm mà đã hoàn toàn xoay quanh hành trình ra quyết định của khách hàng.
Nguồn: McKinsey.
Thay vì dạng hình phễu thường thấy, hành trình khách hàng giờ đây là một vòng lặp liên tục. Ở điểm khởi đầu, khách hàng cân nhắc nhiều lựa chọn cho nhu cầu hiện tại, trải qua một quy trình lựa chọn, chọn lọc lại các thương hiệu phù hợp và cuối cùng là thực hiện thành vi mua hàng.
Sau cùng, sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu sẽ đem lại trải nghiệm và chính trải nghiệm đó sẽ trở thành yếu tố đóng góp cho hành trình ra quyết định của khách hàng trong vòng lặp mua hàng kế tiếp.
Việc cạnh tranh trong vòng lặp này trở thành một bài toán khó khăn cần đầu tư nhiều công sức hơn, các thương hiệu không chỉ đơn giản là gia tăng sự xuất hiện trên kênh truyền thông mà còn phải đem lại một thông điệp nổi bật, có tính tương tác cao và hơn hết là mang tính cá nhân hoá với từng khách hàng.
Full funnel marketing strategy/ approach là gì? Tại sao cần phải làm Full funnel?
Bước kế tiếp sau khi xác định phễu khách hàng, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng các chiến lược tương ứng để tiếp cận khách hàng, tạo sự tương tác liên tục và chuyển đổi khách hàng từ bước này sang bước kế tiếp, nói chính xác hơn là thực hiện chiến lược Marketing toàn phễu.
Marketing toàn phễu bao gồm từng bước, từ xây dựng các chiến dịch Branding để tạo ấn tượng với khách hàng tiềm năng ở phễu đầu đến thực thi chiến dịch để tăng tương tác, quen thuộc với khách hàng, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi nhằm mục đích chuyển họ thành khách hàng và cuối cùng là sử dụng các kênh Remarketing, CRM để tương tác và tăng mức độ trung thành với thương hiệu.
Toàn bộ quy trình có vẻ sẽ đi theo từng bước như một đường thẳng, nhưng thực chất nó giống như một vòng lặp, vì các Marketers sẽ thực hiện đo lường liên tục để lấy ra những Insight thúc đẩy cho việc thu hút phễu đầu được hiệu quả hơn.
- Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế luôn có sự tranh cãi và các câu hỏi bỏ ngỏ về quy trình này.
Hiện tại, Marketing đang chia ra làm 2 thái cực: Một bên là tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu, nhận diện thương hiệu truyền thống. Một bên khác là tập trung vào các hoạt động Marketing có thể đo lường cụ thể (chủ yếu ở phễu chuyển đổi). Các cuộc nói chuyện về ngân sách Marketing và tác động của nó thường khá gay gắt.
Bên xây dựng nhận diện thương hiệu sẽ quan tâm về lợi ích dài lâu, trong khi bên tập trung về hiệu suất quảng cáo sẽ quan tâm về lợi ích hiện tại trong quá trình diễn ra chiến dịch.
Thành thực mà nói là rất khó để đo được lợi ích ngắn hạn, dài hạn của các chiến dịch thương hiệu và nó khiến mọi người không nhìn thấy hết được tầm quan trọng của các chiến dịch thương hiệu. Điều này dẫn đến các nhà quảng cáo ngày càng chi tiêu nhiều tiền hơn cho các chiến dịch tập trung ở phễu sau, làm cho phễu không còn cân bằng, điều này có thể tốt cho hiện tại nhưng là rủi ro cho tương lai.
Và cũng có trường hợp ngược lại, các bên chỉ tập trung xây dựng nhận biết thương hiệu, nhưng không tận dụng tiếp lợi thế đó để thực hiện các chiến dịch chuyển đổi nhằm hỗ trợ và tạo ra doanh số, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao Marketing full funnel lại quan trọng.
Khi đã hiểu rất rõ tại sao cần phải làm Marketing full funnel và thực hiện nó thì vẫn sẽ có rất nhiều khó khăn, câu hỏi mà doanh nghiệp cần phải trả lời và vượt qua được sẽ bao gồm:
- Phễu như thế nào là cân bằng?;
- Phân bổ ngân sách cho các chiến dịch với mục tiêu khác nhau như thế nào là hợp lý?;
- Kết hợp các chiến dịch nhận diện thương hiệu và chiến dịch chuyển đổi như thế nào?,…
Các yếu tố quan trọng khi thực hiện Full funnel marketing?
Phần kế tiếp trong bài viết, mình sẽ tổng hợp lại những điểm cực kỳ quan trọng cần lưu ý khi thực hiện các chiến dịch Marketing toàn phễu, bao gồm các ý quan trọng sau:
- Hệ thống đo lường KPI thống nhất;
- Hiểu rõ sự ảnh hưởng lẫn nhau của các bước trên phễu;
- Cách kết hợp các kênh truyền thông và phân bổ ngân sách;
- Kết hợp cả hệ thống vận hành để tối ưu cho Marketing toàn phễu.
- Khi thực hiện Full funnel marketing cần cân nhắc nhiều yếu tố quan trọng.
Hệ thống đo lường KPI thống nhất
Toàn bộ quy trình Marketing toàn phễu cần phải là sự tổng hợp của cả chiến dịch Branding và Performance được đặt trên một hệ thống đo lường cùng KPI thống nhất, mỗi chiến lược sẽ cùng cống hiến cho việc xây dựng lên một tập khách hàng tiềm năng và tối đa doanh thu của họ đối với doanh nghiệp.
Sự liên kết về mặt KPI giữa tất cả các khía cạnh từ kênh quảng cáo, giai đoạn phễu, kết quả kinh doanh cho phép doanh nghiệp nắm được bức tranh hiệu quả tổng thể của các chiến dịch marketing. Sự thống nhất này đồng thời còn thể hiện rõ những điểm chạm trên phễu ảnh hưởng đến nhau như thế nào thông qua các chỉ số liên kết để chứng minh.
Ví dụ: Nếu việc đầu tư vào các chiến dịch nhận biết tạo lên sự tăng trưởng không chỉ là lượt tiếp cận hay hiển thị mà còn rõ rệt về lượt truy cập, lượt tìm kiếm cho từ khoá thương hiệu và xa hơn là lượt chuyển đổi tổng thể thì hẳn đây là dấu hiệu chứng minh cho việc đầu tư hiệu quả cho giai đoạn đầu phễu.
Tóm lại, tính chất liên kết của các giai đoạn trên phễu làm cho việc xây dựng bộ KPIs thống nhất là quan trọng hơn bao giờ hết, những chỉ số này sẽ giúp các nhà tiếp thị đánh giá được hiệu quả và tác động của từng chiến dịch lên hiệu quả kinh doanh của toàn thương hiệu, từ đó đưa ra những quyết định chính xác và tối ưu hơn.
Sự liên hệ của từng bước trên Marketing funnel
Giai đoạn nhận biết và giai đoạn chuyển đổi trên phễu dù có cách tiếp cận và cách đo lường hiệu quả riêng biệt nhưng có mối liên hệ mật thiết về kết quả cho toàn phễu.
Lấy ví dụ một khách hàng với ý định mua máy ép trái cây để sử dụng trong gia đình, vị khách này chắc chắn sẽ bắt đầu với một danh sách các thương hiệu máy ép hay dụng cụ nhà bếp mà anh ta đã từng được nhìn, nghe, được kể về ở đâu đó thể hiện rõ hiệu quả trực tiếp từ các chiến dịch tạo nhận biết thương hiệu.
Nói cách khác, khi triển khai hiệu quả các chiến dịch Branding, thương hiệu sẽ được đưa vào danh sách chọn lọc khi nhu cầu mua hàng xuất hiện. Đồng thời, theo một thống kê cho thấy, việc có mặt trong danh sách này sẽ có xu hướng được mua hàng cao gấp ba lần so với các thương hiệu chen ngang vào giữa phễu.
Hơn nữa, vì bản chất của phễu khách hàng hiện đại gần giống một vòng lặp, tức là khi đã xảy ra chuyển đổi thì phễu sẽ vẫn tiếp diễn – các khách hàng sau khi mua hàng/ tham gia vào dịch vụ nếu có trải nghiệm đủ tốt sẽ tăng cường giới thiệu mở rộng thêm cho giai đoạn nhận biết.
Thực tế Facebook, Google hay đội ngũ PMAX cũng đã làm rất nhiều phép thử cho bài toán này bằng cách chạy chiến dịch chuyển đổi cho các nhóm đối tượng giống nhau nhưng khác nhau về việc đã được tiếp cận bởi các chiến dịch nhận diện thương hiệu trước đó. Kết quả nhận được khá là nhất quán, nhóm đối tượng đã được tiếp cận thông qua chiến dịch thương hiệu luôn mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn trung bình trên 30% so với nhóm chưa được tiếp cận.
Có thể thấy, chiến dịch toàn phễu từng bước đưa thương hiệu trở nên gần gũi, xây dựng mối quan hệ 2 chiều với khách hàng, hoàn thiện toàn bộ bức tranh về hiệu quả của việc đầu tư ngân sách tiếp thị từ đó thúc đẩy hiệu quả và sự phát triển của cả doanh nghiệp.
Các phễu liên kết với nhau rõ ràng hơn nữa trong các chiến dịch thương mại điện tử, các nhà quảng cáo sẽ phải đưa ra các tính toán và chiến thuật hợp lý để đưa nhóm khách hàng đã biết đến thương hiệu của mình, tương tác với mình để đưa họ vào Website thương mại điện tử xem sản phẩm, rồi lại tiếp tục sử dụng các chiến thuật khác để khuyến khích nhóm khách hàng này đưa sản phẩm vào giỏ hàng, rồi lại tiếp tục theo đuổi nhóm khách hàng đã bỏ vào giỏ hàng để chuyển đổi họ thành khách hàng của mình, rồi sẽ lại tiếp tục theo đuổi nhóm khách hàng đã mua hàng để tiếp tục bán chéo, bán thêm,…
Và các phễu này liên hệ trực tiếp với nhau về mặt quy mô, ở mỗi phễu, tỷ lệ chuyển đổi xuống các bước tiếp theo cũng có thể theo dõi và tối ưu liên tục. Vì vậy nhiệm vụ của các Marketer là phải thiết kế, vẽ lại được toàn phễu, tính toán để có thể xây dựng được bộ phễu một cách cân đối nhất để không có sự thiếu hụt hay bị gián đoạn (Bottleneck) ở một số bước bên trong phễu.
- Cần xây dựng được bộ phễu một cách cân đối nhất để không có sự thiếu hụt hay bottleneck ở một số bước bên trong phễu.
Cách kết hợp các kênh truyền thông khi triển khai Marketing toàn phễu
Để triển khai Marketing toàn phễu, việc lưu ý sử dụng và phân bổ ngân sách cho các kênh truyền thông là cực kì quan trọng – như đã được đề cập ở phần trên, các giai đoạn đầu-giữa-cuối của Marketing funnel đều có liên hệ lẫn nhau. Các Marketers sẽ phải liên tục đặt ra câu hỏi về việc chọn lựa và phân bổ kênh sao cho phù hợp – nên sử dụng phần lớn ngân sách vào triển khai các quảng cáo TVC, OOH hay Facebook?
Ngân sách cho Marketing toàn phễu thường được chia theo 2 chiều chính: chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc thể hiện việc phân bổ cho các giai đoạn của phễu (nhận biết, cân nhắc, chuyển đổi, trung thành) còn chiều ngang là phân bổ cho các kênh truyền thông trong từng giai đoạn của Marketing funnel.
- Kết hợp các kênh truyền thông khi triển khai full funnel marketing để mang lại hiệu quả.
Đối với chiều dọc giai đoạn của phễu thì mình đã trình bày ở mục trên, đối với chiều ngang thì hiện tại đa số các bên sử dụng mô hình MMM (Media mix model) – sử dụng các phân tích thống kê để tìm ra được mối liên hệ giữa việc thay đổi các tỷ trọng giữa các kênh Media và kết quả tạo ra như khả năng gợi nhớ thương hiệu, đơn hàng, doanh số,…
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có rất nhiều điểm hạn chế. Đây là phương pháp đòi hỏi thời gian ước lượng dài và không phản ứng với những thay đổi ngắn hạn. Phương pháp này cũng không thể cung cấp cụ thể hiệu quả từng kênh quảng cáo đối với kết quả tạo ra.
Do đó, có một phương pháp khác được sử dụng song song để bổ trợ, đó chính là mô hình phân bổ đa điểm chạm (Multi-touch attribution model) bằng cách thông qua các nền tảng công nghệ để thu thập dữ liệu của khách hàng cùng với các điểm chạm mà họ đã trải qua.
Giải pháp công nghệ mới nhất hiện nay và là lời giải cho việc đo lường toàn phễu là Customer Data Platform (CDP), một nền tảng thu thập dữ liệu từ tất cả các kênh quảng cáo, kho dữ liệu cũng như các bên thứ ba khác để xây dựng một bức tranh thống nhất về quy trình và các tương tác của từng khách hàng đối với doanh nghiệp.
Với CDP, các đội ngũ Marketing sẽ thống kê được từng bước những điểm chạm/ số lần chạm với các kênh truyền thông xuyên suốt từ thời điểm mới nhận biết đến cân nhắc, chuyển đổi và xa hơn nữa là trung thành và giới thiệu, giúp thống kê được hiệu quả đầu tư của từng kênh trong suốt chiến dịch từ đó đưa ra phương án chọn lựa kênh quảng cáo cũng như mức phân chia ngân sách phù hợp.
- Thống kê hiệu quả đầu tư của từng kênh trong suốt chiến dịch để chọn lựa kênh quảng cáo cũng như phân chia ngân sách phù hợp.
Kết hợp cả hệ thống vận hành để thực hiện marketing toàn phễu
Một điểm mấu chốt của Marketing toàn phễu còn nằm ở cách kết hợp của cả hệ thống vận hành – việc tương tác và chuyển đổi với khách hàng ở từng giai đoạn không chỉ là công việc của phòng Marketing mà còn có sự tham gia của các bộ phận khác mà thường thấy nhất sẽ là bộ phận bán hàng – nơi tiếp nhận thông tin khách hàng thu thập được và đưa ra các tư vấn cũng như chuyển đổi, chăm sóc.
Sự rời rạc trong quy trình làm việc qua lại, KPI tương ứng và thiếu kết nối giữa 2 phòng ban này sẽ đem lại kết quả xấu cho chiến dịch Marketing toàn phễu – nơi mà đòi hỏi sự xuyên suốt giữa các quá trình và tập trung cho kết quả là tối đa tỷ suất lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp.
- Kết hợp cả hệ thống vận hành để thực hiện marketing toàn phễu.
Các bộ phận có vai trò trong phễu Marketing cần kết nối các KPI riêng lẻ về cùng 1 KPI thống nhất, thể hiện hiệu quả của tất cả phòng ban nhằm theo dõi và tối ưu cho một kết quả chung của doanh nghiệp. Ví dụ, cả Sales và Marketing có thể chọn tỷ lệ khách hàng đặt lịch hẹn đến tư vấn làm KPI chung, chỉ số này sẽ đo lường được các hoạt động nhắm mục tiêu, triển khai quảng cáo tạo nhận biết và thu thập các thông tin chất lượng của Marketing đồng thời thể hiện được khả năng gọi điện, tư vấn và chốt lịch của team Sales.
Thách thức và khó khăn khi bắt tay vào triển khai marketing toàn phễu
Có lẽ doanh nghiệp đều thấy được tầm quan trọng của việc triển khai các chiến dịch Marketing toàn phễu trong thời điểm thị trường Digital marketing ngày càng cạnh tranh với chi phí tăng cao và hiệu quả không còn như trước. Tuy nhiên, việc triển khai toàn diện và hoàn chỉnh cho mảng này vẫn luôn là một khúc mắc lớn và đầy khó khăn cho đa số các doanh nghiệp, kể cả với những tập đoàn lớn với ngân sách đầu tư hùng hậu cũng như sử dụng những công nghệ tốt nhất. Vậy nguyên nhân chính của những vấn đề này thường do đâu.
Quá nhiều yếu tố cần tối ưu
Mỗi giai đoạn của phễu Marketing đều có tầm quan trọng, cách tiếp cận, theo dõi, đo lường, tối ưu dẫn đến khối lượng công việc và công sức cần làm là cực lớn. Các đội ngũ Marketing thường sẽ không đủ nguồn lực để thực thi toàn bộ mà phải chấp nhận sắp xếp ưu tiên và tập trung vào một vài giai đoạn, dẫn đến quy trình thực hiện sẽ phải chia nhỏ ra từng bước khó đảm bảo tính toàn diện.
Hành trình khách hàng vô cùng phức tạp
Dù đã có những nghiên cứu và thay đổi nhất định trong việc phân tích và xây dựng chân dung khách hàng và mô phỏng thành Marketing funnel, bản chất của hành trình ra quyết định từ nhận biết đến chuyển đổi vẫn vô cùng phức tạp và xảy ra nhiều biến số. Khách hàng hiện tại có thể tiếp xúc với rất nhiều công cụ và thông tin để tìm hiểu trong quá trình chọn mua, tạo cơ hội cho rất nhiều nhãn hàng trực chờ chen ngang để thu hút sự chú ý của họ.
Một thương hiệu dù đã làm rất tốt trong giai đoạn tạo nhận biết đầu tiên, xuất sắc nằm trong danh sách chọn lọc khi có nhu cầu nhưng vẫn hoàn toàn bị đối thủ loại bỏ khi đến giai đoạn chuyển đổi, đơn giản là vì bảng danh sách này không hề cố định mà liên tục được thêm bớt trên từng điểm chạm.
Cần nhiều thời gian để đo lường và đánh giá kết quả
Việc đầu tư cho các chiến dịch truyền thông này sẽ cần thời gian khá dài để thực sự nhìn thấy sự tăng giảm trong hiệu quả kinh doanh toàn diện, điều này đối với đa phần doanh nghiệp – đặc biệt là vừa và nhỏ là một điều vô cùng khó khăn vì điều họ cần tập trung là đánh giá và đưa ra quyết định nhanh nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng tổng thể.
Giải pháp các doanh nghiệp thường lựa chọn sẽ là chia một phần ngân sách nhỏ để đầu tư cho mảng xây dựng thương hiệu và nhận biết – như một nhiệm vụ phải làm- và phần còn lại sẽ dồn vào các chiến dịch tối ưu và tăng cường chuyển đổi.
Tổng kết lại, xây dựng và triển khai chiến dịch Marketing toàn phễu dù là một định nghĩa phổ biến và không khó để hiểu tầm quan trọng nhưng cũng không thể phủ nhận độ khó xét về nguồn lực, cách đo lường cũng như thực thi của nhiệm vụ này.
Tuy nhiên khó không có nghĩa là không làm được, “đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi cách tư duy trong việc làm marketing, rồi đến việc lên kế hoạch, đánh giá hiệu quả và phân bổ nguồn lực toàn diện trên Marketing funnel thay vì chỉnh tập trung cho một vài giai đoạn nhất định.
Bài viết được thực hiện bởi Hạnh Lê – COO và Tùng Nguyễn – Product Manager tại PMAX, dựa trên các nguồn Mckinsey, Forbes và kinh nghiệm của bản thân.